Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết về vũ trụ và con người có từ lâu đời. Nền tảng của nó về phương diện khoa học thì chưa được bàn đến một cách rốt ráo. Nhưng những ứng dụng của nó trong cuộc sống hàng ngày thì đã trở thành quen thuộc. Bài viết này sẽ giải thích về thuyết Âm Dương Ngũ hành và cách ứng dụng của nó trong việc lựa chọn nhân sự, đối tác trong công việc lẫn trong cuộc sống.
Vừa qua, NgocCup có đọc một số thảo luận của các bạn ở chủ đề "Tam hợp&Tứ hành xung", qua đó thấy nhiều bạn trẻ có những ngộ nhận về một chuyện đã được tổng kết có nền tảng lý luận và được ứng dụng phổ biến xưa nay, nên Cup tôi viết bài này để làm rõ vấn đề.
Trước khi nói về chuyện ứng dụng xét hợp khắc của một mối quan hệ, Cúp tôi bắt đầu bằng giải thích sơ lược về thuyết Ngũ hành và Ngũ hành nạp âm của bản mệnh.
Thuyết Âm Dương Ngũ hành: Đây thực ra là 2 thuyết khác nhau, nhưng tạo thành nền tảng luận lý cho quan điểm Phương Đông về vũ trụ, nên được gộp chung làm một. Âm Dương là quy luật bao trùm vũ trụ, mọi thứ sinh ra đều có thuộc tính âm hoặc dương. Ngũ hành, gồm Kim, Thuỷ, Mộc, Hoả, Thổ cũng là như thế, mỗi thứ đều có thuộc tính ngũ hành.
Tuy nhiên, thuộc tính ngũ hành chỉ là "tượng", tức là tên gọi của "khí", không phản ánh bản chất thật của cấu trúc duy lý của "thể". Có nghĩa là một vật thuộc ngũ hành là "thuỷ", không có nghĩa vật ấy là nước. Cũng như bạn sinh vào năm 1982, bản mệnh là Thuỷ, thì khí chất của bạn thuộc "Thuỷ", chứ bạn không phải là "nước".
Quan hệ giữa năm hành là quan hệ sinh khắc. Tính theo thứ tự Kim, Thuỷ, Mộc, Hoả, Thổ thì 2 hành kề nhau là tương sinh, 2 hành cách nhau là tương khắc. Quan hệ này cũng chỉ diễn ra theo chiều thuận, tức Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim. Khắc là Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ. Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim.
Ngoài quan hệ này, khi phân Âm Dương của hành, ứng dụng lý động của Dịch, người ta còn thấy một quan hệ nữa, gọi là "ký tế". Tức là Thuỷ khắc Hoả, nhưng Âm Hoả, khi thịnh lại cầm giữ không cho Dương Thuỷ vượng. Chữ "ký tế" được dùng cũng là tên của quẻ thứ 63 của Dịch (nghĩa quẻ là cầm giữ, lộn xộn, chưa xong).
Ngũ hành nạp âm: Mỗi một niên giáp gồm có 2 thành tố: thiên can và địa chi. Thiên can gồm Giáp Ất (Mộc), Bính Đinh (Hoả), Mậu Kỷ (Thổ), Canh Tân (Kim), Nhâm Quý (Thuỷ). Địa chi gồm Dần Mão (mộc), Thìn (Thổ), Tỵ Ngọ (Hoả), Mùi (Thổ), Thân Dậu (Kim), Tuất (Thổ), Hợi Tý (Thuỷ). Phối hợp của 10 can và 12 chi thành 60 hoa giáp, từ Giáp Tý đến Quý Hợi là 60 năm.
Sự phối hợp của Thiên can và Địa chi lại ra một ngũ hành mới, gọi là ngũ hành nạp âm. Nguyên lý của ngũ hành nạp âm của cổ nhân vẫn có nhiều điều chưa rõ, chỉ biết là nó được chia theo các cung của nhạc lý cổ (Cung Thương Cốc Chuỷ Vũ), nên gọi là nạp âm. Sự phối hợp này dẫn đến như tuổi 1972 là Nhâm (Thuỷ) Tý (Thuỷ) lại là Mộc, còn 1975 Ất (Mộc) Mão (Mộc) lại là Thuỷ.
Mỗi nạp âm còn có một "tượng" đi theo, như Mộc thì có Bình địa Mộc, Tùng bách Mộc, Tang đố Mộc..., Thuỷ thì có Giản hạ Thuỷ, Đại hải Thuỷ, Trường lưu Thuỷ...
Ứng dụng của việc xét sinh khắc: Theo quan niệm Phương Đông, mỗi con người là một tiểu vũ trụ, nên chịu chi phối bởi các quy luật vũ trụ, trong đó hiển nhiên là bị chi phối bởi quy luật sinh khắc của Âm Dương Ngũ hành.
Việc xét sinh khắc có thể chia nhỏ thành 2 quy tắc như sau:
Quy tắc 1: Trong quan hệ tương sinh, hành được sinh (sinh nhập) hưởng lợi, hành bị sinh (sinh xuất) sẽ bị hao. Trong quan hệ tương khắc, thì hành khắc (khắc xuất) sẽ vất vả, còn hành bị khắc (khắc xuất) sẽ lao đao.
Quy tắc 2: Quan hệ ngôi thứ bên ngoài phải phản ánh đúng quan hệ sinh khắc. Đây cũng chính là nguyên lý "chính danh" mà ta thấy từ Nho giáo. Theo quy tắc này, thì việc lựa chọn đối tác, vợ chồng, cấp trên, cấp dưới phải đúng ngôi thứ.
Kết hợp 2 quy tắc trên, ta có thể đưa ra vài nguyên tắc chung:
1) Chọn cấp dưới: Nếu bạn muốn có một cấp dưới tuyệt đối phục tùng, thì nên chọn một người có bổn mệnh bị khắc. Như người mệnh Kim, nên chọn cấp dưới là mệnh Mộc, người mệnh Thuỷ nên chọn cấp dưới là người mệnh Hoả... Nhưng nếu bạn muốn chọn một người có khả năng suy nghĩ độc lập hơn, không bị bạn chế áp hoàn toàn, thì nên chọn một người có bổn mạng sinh xuất cho bạn.
2) Chọn bạn làm ăn: Việc chọn đối tác là việc cần kỹ lưỡng. Đầu tiên là bạn phải cân nhắc về mình và lựa chọn vai trò của mình trong quan hệ đối tác đó. Nếu bạn đủ năng lực đứng đầu, hãy làm ăn với người sinh xuất cho bạn. Nếu bạn là người quyết đoán, nên chọn đối tác bị bạn khắc. Còn nếu bạn thiếu khả năng quyết định, hay cần có ai đó đứng cao hơn mình, thì đừng ngại việc chọn một người mà mệnh của bạn sinh xuất cho người đó. Dĩ nhiên, không nên chọn người mà bổn mệnh của bạn bị khắc (lép vế đủ đường).
3) Chọn vợ chồng: Do ngôi thứ của quan hệ vợ chồng bao giờ cũng coi chồng là chính, vợ là phụ, nên gia đạo sẽ yên ổn nếu mệnh của vợ bị mệnh của chồng khắc (bảo đảm phục tùng) hoặc mệnh vợ sinh cho mệnh chồng (vượng phu). Nhưng nếu chồng lớn tuổi, có vai vế hơn vợ nhiều, thì cũng không ngại nếu mệnh chồng sinh xuất cho mệnh vợ (kiểu chồng chiều chuộng, bao bọc vợ). Tối kỵ là mệnh chồng bị mệnh vợ khắc xuất.
Một số quan niệm không đúng, hoặc không đủ nguyên lý nền tảng:
1) Tính hợp xung dựa trên chi của tuổi: Địa chi của tuổi (Tý, Sửu, Dần, Mão...) không quan trọng. Nên tuổi trong tam hợp vẫn có thể bị xung khắc. Cũng không có lý do gì sợ các tuổi như Thìn Tuất, Sửu Mùi, Dần Thân, Tý Ngọ... vì đó chỉ là những cặp cung xung chiếu nhau trên đồ bàn tử vi, không liên quan đến chuyện xung hợp tuổi.
2) Tính xung hợp dựa trên can của tuổi: Tương tự như trên, thiên can không có vai trò gì trong cách tính hợp xung cả. Thiên can, Địa chi chỉ quan trọng với từng tuổi một mà thôi. Nói thêm, Thiên can, Địa chi và ngũ hành nạp âm có thể coi là 3 yếu tố Thiên, Địa, Nhân của mệnh, ví như tuổi Nhâm Tý, do cả can và chi đều thuộc Thuỷ, trong khi nạp âm là Mộc, nên mệnh được Thiên Địa nuôi dưỡng, thành ra tuổi này là tuổi Thiên Địa đồng quy. Như Canh Tý, thì Canh thuộc Kim, Tý thuộc Thuỷ, nạp âm là Mộc nên đây là tuổi may mắn (do Kim sinh Thuỷ, Thuỷ dưỡng Mộc), còn gọi là tuổi Bạch Mã quá giang (như con ngựa của Huyền Trang, chỉ vì chở thầy qua sông mà may mắn thành Phật).
3) Tính xung hợp trên tượng của nạp âm: Có người lý luận Sơn đầu Hoả (lửa trên núi) làm sao bị Đại hải Thuỷ (nước biển lớn) khắc được. Hay Kiếm phong Kim (vàng đầu lưỡi kiếm) làm sao bị Tích lịch Hoả (lửa sấm sét) khắc được. Hay lý luận Bình địa Mộc (cây cỏ) là một loại tiểu mộc nên không thể hưởng lợi từ Đại hải Thuỷ. Chưa có một nguyên lý nào ủng hộ những luận điểm này, và về nguyên tắc, không thể lấy tượng (tức là hình thức bề ngoài) để xét cho thể (là chất bên trong), nên đây là cách lý luận thiếu cơ sở.
Trên đây là những kiến thức nền tảng. Mong là các bạn cảm thấy những quan điểm, đúng sai được tường minh rõ ràng.
Theo saga.vn l Phạm Ngọc Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét