Vào tháng 6 năm 2004, Arno Rafael Minkkinen đến phát biểu tại ngày khai giảng của Trường Nhiếp ảnh New England
Minkkinen đã chia sẻ một lý thuyết đơn giản mà theo ông, là yếu tố quyết định giữa thành công và thất bại. Ông gọi nó là Lý thuyết bến xe buýt Helsinki.
Lý thuyết về bến xe buýt Helsinki
Minkkinen sinh ra ở
Helsinki, Phần Lan. Ở trung tâm thành phố có một bến xe buýt lớn. Ông bắt đầu
bài phát biểu của mình bằng cách mô tả nó cho các học sinh.
Minkkinen nói: “Khoảng
hai chục bãi đỗ xe trong một khu đất ở trung tâm thành phố. Ở đầu mỗi bãi đỗ là
một tấm biển ghi số của chiếc xe buýt rời bến đó. Mỗi xe buýt đi cùng một tuyến
đường gần 1km ra khỏi thành phố. Sau đó, chúng tách ra, mỗi xe đi một ngả, dừng
ở các trạm xe buýt dọc đường. "
Anh ấy tiếp tục, “Bây
giờ, hãy giả dụ rằng, bạn nhảy lên xe buýt số 1. Mỗi trạm xe buýt mà xe số 1 đi
qua tượng trưng cho một năm trong cuộc đời làm nhiếp ảnh gia của bạn. Có nghĩa
là trạm xe buýt thứ ba sẽ đại diện cho ba năm bạn làm nhiếp ảnh. Hãy coi như
bạn đã làm việc trong ba năm chuyên về chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật.”
“Bạn mang ba năm kinh
nghiệm đó đến Bảo tàng Mỹ thuật ở Boston, và người quản lý hỏi bạn có biết
Irving Penn cũng chụp ảnh khỏa thân không. Xe buýt của ông ấy, xe số 2, cũng đi
trên cùng một tuyến với xe của bạn. Bạn lại đến một phòng trưng bày ở Paris và
phát hiện rằng Bill Brandt, xe buýt số 3, cũng làm điều tương tự rồi. Bạn nhận
ra sự thật phũ phàng rằng, những gì bạn đã làm trong ba năm đã được người khác
làm từ lâu rồi.”
"Vì vậy, bạn
xuống xe buýt số 1,và nhanh chóng quay lại trạm để tìm một chiếc xe buýt khác.”
“Lần này,” anh ấy nói,
“bạn sẽ chụp những bức ảnh đầy màu sắc về những người nằm trên bờ biển. Bạn
dành ba năm cống hiến để nhận lại được những nhận xét như: Bạn chưa thấy tác
phẩm của Richard Misrach à? Hoặc: tác phẩm của bạn y hệt những bức chụp những cây
cọ đen trắng mờ sương đung đưa ngoài bãi biển của Sally Mann”
“Vì vậy, một lần nữa,
bạn xuống xe, quay trở lại và tìm một xe buýt mới. Điều này diễn ra liên tục
trong cuộc đời sáng tạo của bạn, luôn bắt tay những công việc mới, luôn bị so
sánh với những người khác. ”
"Ở lại xe buýt"
Minkkinen ngừng nói.
Ông nhìn các học sinh và hỏi, "Vậy ta nên làm gì để không bị cuốn
vào vòng lặp này?"
“Đơn giản thôi,” ông
nói. “Ngồi yên vị trên chiếc xe buýt bạn chọn. Ở yên đó. Bởi vì nếu bạn làm
vậy, sau một khoảng thời gian, bạn sẽ bắt đầu thấy sự khác biệt. ”
“Các chuyến xe buýt từ
Helsinki di chuyển trên cùng một tuyến, nhưng chỉ trong một hoặc hai km đầu
thôi. Sau đó, chúng bắt đầu tách ra, mỗi xe sẽ đi đến một điểm đích riêng biệt.
Xe buýt 33 đột ngột đi về hướng Bắc. Xe buýt 19 chạy sang phía tây nam. Xe 21
và 71 đi cùng nhau một đoạn, nhưng rồi cũng nhanh chóng tách ra hai ngả. Irving
Penn, người cùng đường với bạn, đang hướng đến nơi khác ”.
Minkkinen nói: “Chính
sự tách biệt tạo nên sự khác biệt. “Khi bạn thấy thành phẩm của mình khác biệt
so với thành phẩm của người bạn rất ngưỡng mộ - đó chính là lúc bạn đột phá,
lúc bạn nhận ra lý do mình chọn con đường này. Công việc của bạn bỗng nhận được
sự chú ý. Bây giờ bạn đang tự đi trên con đường của mình, tạo ra những tác phẩm
khác biệt hơn so với những nguyên bản tạo cảm hứng cho nó. Tầm nhìn của bạn
ngày một mở rộng hơn. Và khi bạn đã sáng tạo ra một lượng tác phẩm đáng kể, các
nhà phê bình sẽ sớm bị cuốn hút, không chỉ bởi những tác phẩm khác hoàn toàn
những tên tuổi to lớn như Sally Mann hay Ralph Gibson, mà còn bởi những thành
phẩm đầu tiên của bạn.
“Bạn đã tự tạo ra một
tuyến xe buýt dành riêng cho mình. Những bản in cũ được bạn chụp cách đây hai
mươi năm đột nhiên được thẩm giá lại với giá cao hơn. Ở bến cuối cùng — nơi xe
buýt dừng lại và tài xế được nghỉ ngơi— đó là lúc công việc của bạn đã hoàn
thành. “Bến đỗ cuối cùng” có thể lúc sự nghiệp nghệ thuật của bạn kết thúc hay
lúc bạn lìa đời, nhưng khối lượng tác phẩm đồ sộ của bạn lúc này mới hiện ra
trước mắt bạn: Những nỗ lực bắt chước vụng về ban đầu, những đột phá, những
đỉnh cao và đáy vực, những kiệt tác cuối cùng, tất cả những tác phẩm ấy đều
mang dấu ấn của tầm nhìn độc đáo của bạn. ”
"Tại sao? Bởi vì
bạn ngồi yên trên xe buýt bạn chọn. ”
Ở lại trên xe buýt.
Sự kiên định có dẫn
đến thành công không?
Tôi thường xuyên viết
về tầm quan trọng của sự kiên định trong việc thông thạo một lĩnh vực nào đó.
Khi viết về sự kiên định, tôi thường xoay quanh các ý tưởng như cách làm đi làm
lại một việc, cách cải thiện hiệu quả công việc và yêu thích nó ngay cả vào
những lúc cảm thấy nhàm chán nhất. Những ý tưởng này rất quan trọng, và chỉ Lý
thuyết Bến xe buýt Helsinki mới có thể giải thích cho những chi tiết quan trọng
thường bị bỏ qua của những ý tưởng này.
Sự kiên định có dẫn
đến thành công không?
Hãy lấy một sinh viên
đại học làm ví dụ. Họ có thể đã dành hơn 10.000 giờ để ngồi trên ghế nhà
trường. Họ có phải là một chuyên gia có thể học được bất cứ những gì họ được
dạy không? Chắc chắn là không. Hầu hết chúng ta sau khi học xong đều nhanh
chóng quên hết kiến thức.
Hãy tưởng tượng bạn là
một người làm việc trên máy tính mỗi ngày. Chắc chắn bạn đã dành hơn 10.000 giờ
để viết và trả lời email, nếu bạn đã làm công việc của mình trong nhiều năm.
Viết lách nhiều như vậy, liệu bạn có đủ kỹ năng để viết cuốn tiểu thuyết tuyệt
vời tiếp theo không? Chắc là không đâu.
Hãy xem xét những
người đến phòng tập mỗi tuần. Nhiều người đã đi tập trong nhiều năm, thậm chí
nhiều thập kỷ. Họ có cơ thể cơ bắp cuồn cuộn như những vận động viên ưu tú
không? Họ có sức mạnh hơn người thường không? Chắc cũng không đâu
Điểm mấu chốt của Lý
thuyết bến xe Helsinki chính là nó thúc giục bạn không chỉ đơn giản là làm
nhiều việc hơn, mà phải làm lại một việc nhiều lần hơn.
Làm việc không quan
trọng bằng làm đi làm lại một việc
Một Sinh viên đại học
bình thường học một lượng kiến thức một lần. Một Sinh viên ưu tú học đi học lại
lượng kiến thức đó. Một Nhân viên bình thường viết email một lần. Một Tiểu
thuyết gia xuất sắc viết đi viết lại các chương. Những người đam mê thể dục
trung bình tập luyện một bài tập giống nhau mỗi tuần. Các vận động viên giỏi
nhất tự nhìn lại từng lần tập và không ngừng cải thiện kỹ thuật của họ.
Luyện tập mới là yếu tố quan trọng nhất.
Quay lại phép ẩn dụ về
xe buýt, các nhiếp ảnh gia - những người đã xuống xe sau một vài điểm dừng và
nhảy lên chiếc xe buýt mới vẫn đang phải làm việc trong suốt thời gian đó. Họ
đang bỏ ra 10.000 giờ. Tuy nhiên, họ không hề luyện tập. Họ mải nhảy từ xe này
sang xe khác với hy vọng tìm được con đường chưa ai từng đi trước đó, đến nỗi
họ không đầu tư thời gian để làm lại những ý tưởng cũ của mình. Họ đã bỏ lỡ,
như Lý thuyết Bến xe Helsinki đã nói, chìa khóa để tạo ra một thứ gì đó độc đáo
và tuyệt vời.
Bằng cách ở lại trên
xe buýt, bạn đã cho mình thời gian để luyện tập và sửa đổi cho đến khi bạn tạo
ra thứ gì đó độc đáo, đầy cảm hứng và tuyệt vời. Chỉ bằng cách yên vị trên xe,
bạn đã có thể thành thạo một lĩnh vực. Hãy dành ra đủ thời gian lọc ra
những sáng kiến xuất chúng trong vô số những ý tưởng tầm thường.
Cuốn sách Những Kẻ
Xuất Chúng của Malcolm Gladwell đã nói về Quy tắc 10.000 giờ, rằng ta phải mất
10.000 giờ thực hành mới có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. Tôi
nghĩ chúng ta thường không hiểu rằng thực hành ở đây chính là luyện tập. Nếu
bạn không cố gắng ôn tập lại, thì bạn đang không trở nên tốt hơn.
Rất nhiều người đã bỏ ra 10.000
giờ để làm việc. Rất ít người bỏ ra 10.000 giờ để luyện tập. Cách duy nhất để
luyện tập chính là ở lại trên xe buýt.
Bạn sẽ đi chuyến xe buýt nào?BẠN Ở LẠI TRÊN XE BUÝT CHỨ?
Tất cả chúng ta đều có khả năng sáng tạo ở một
mức độ nào đó. Người quản lý đấu tranh để đưa ra các sáng kiến mới. Người kế
toán tạo ra quy trình quản lý tờ khai thuế nhanh hơn. Người y tá nghĩ ra cách
quản lý bệnh nhân tốt hơn. Và, tất nhiên, nhà văn, nhà thiết kế, họa sĩ và nhạc
sĩ đang làm việc để chia sẻ tác phẩm của họ với thế giới. Họ đều là những người
sáng tạo.
Bất kỳ người sáng tạo nào cố gắng đưa xã hội
tiến lên đều sẽ phải nếm trải thất bại. Hầu hết mọi người khi gặp thất bại sẽ
quay lại bến xe và lên một tuyến xe buýt khác. Họ nghĩ chuyến đi đó sẽ suôn sẻ
hơn.
Thay vì làm vậy, chúng ta nên ở yên trên chiếc
xe buýt ta chọn và chăm chỉ xem xét lại, suy nghĩ lại và sửa đổi ý tưởng của
chúng ta.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, bạn sẽ phải
lựa chọn. Bạn sẽ đi xe buýt nào? Bạn muốn câu chuyện cuộc đời mình diễn ra như
thế nào? Bạn muốn dành nhiều năm để sửa đổi và cải thiện lĩnh vực gì?
Làm thế nào để bạn biết câu trả lời đúng? Bạn
sẽ không biết đâu. Không ai biết xe buýt nào mới là tốt nhất, nhưng nếu bạn
muốn phát huy hết khả năng của mình, bạn phải chọn một chiếc. Đây là một trong
lựa chọn khó khăn nhất của đời người. Đó là lựa chọn của bạn, nhưng bạn phải
chọn.
Và một khi đã chọn rồi, hãy ngồi yên trên xe
buýt.
---------------------------------------------
Tác giả: James Clear
Link bài gốc: The Proven Path to Doing Unique and Meaningful Work
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hoa - ToMo - Learn Something New
Hãy ở lại cùng chúng tôi nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét