Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Bạn đã lập kế hoạch cho tương lai chưa?

Share |
mục tiêu, hoạch định sự nghiêp

Bạn có biết bạn đang đi về đâu không?  Nếu không biết thì có khả năng bạn chẳng đi đến đâu cả. Hãy là một người thông minh biết chính xác mình sẽ đi về đâu.


Bạn phải có kế hoạch 6 tháng, 1 năm, hay 3 đến 5 năm. Hãy linh hoạt và mềm dẻo với kế hoạch của mình, cần phần lớn nguyên tắc khi hành động, nhưng nhớ phải phù hợp với hoàn cảnh.

  1. Biết mục tiêu dài hạn của mình trước tiên

Kế hoạch sự nghiệp của bạn là gì? Cả cuộc đời của bạn là gì? Bạn không biết hay bạn chưa nghĩ đến? Hầu hết mọi người đều không biết và đó là lý do tại sao họ khó thành công. Khi “đời chao đảo” bạn sẽ chẳng biết tập trung vào đâu, bạn sẽ bị cuốn trôi đi như một nhánh lục bình giữa sông Sài Gòn. Thật đáng buồn.
Vậy hãy có ngay cho mình một kế hoạch dài hạn (trước) và ngắn hạn (sau).
Hãy bắt đầu từ những cái bạn thích, đam mê và đến những điều bạn làm được và có khả năng (năng khiếu) – (Có chuyên đề riêng)
Có kế hoạch dài hạn, cũng có nghĩa là có một kế hoạch khác bổ trợ cho kế  hoạch dài hạn đó (phụ thuộc vào kinh tế, thị trường, xu hướng xã hội, khủng hoảng v.v…) để điều chỉnh, linh hoạt theo kế hoạch của mình.
  • Nghiên cứu ngành bạn chọn và biết những “bậc tam cấp” cần thiết phải phấn đấu để tiến tới đỉnh cao cuối cùng của kế hoạch
  • Tìm ra những việc cần phải làm để đạt tới những vị trí đó.
  • Xác định trên từng bậc tam cấp, cần phải phấn đấu tiếp những gì để lên bậc tiếp theo (lính mới, kinh nghiệm, chuyên viên, lãnh đạo)
Chia nhỏ nhiệm vụ ra, bạn sẽ phải biết cách: thu lượm thêm kinh nghiệm, đảm nhận thêm trách nhiệm, học hỏi thêm những kỹ năng mới, hiểu biết về cách lãnh đạo, tư duy lãnh đạo.  Hoặc có thể là kiếm thêm được nhiều tiền (?)
Hãy tìm ra cách thực hiện từng bước (muốn nhanh thì phải từ từ mà), và bước nào chắc bước đó, bạn đang ở trong một môi trường mà bạn đặt sự học hỏi làm trọng để nhắm tới cái đích sau cùng, vì vậy phải quan trọng là bạn học cho chính bản thân mình, chứ không phải học như khi ngồi trên ghế nhà trường để thoát khỏi cảnh “ngục tù đày đọa”. Bạn sẽ phải làm những việc mà không ai thích làm, làm những việc bạn chưa bao giờ làm, làm việc giúp đỡ các bộ phận khác, làm việc ở chi nhánh, v.v…
Mục tiêu thì phải có hồi kết thúc, nhưng bạn đừng kết thúc mơ ước, kết thúc việc đặt mục tiêu của mình. Bởi nếu bạn giới hạn trí tưởng tượng của mình, giới hạn giấc mơ của mình, thì bạn sẽ đạt được những điều khiến bạn chưa thật sự vừa lòng với những gì mình mong muốn. Tất nhiên là nó cần phải thực tế, nhưng hãy cứ mơ ước (đâu ai đánh thuế ước mơ của bạn), để bạn biết được cho dù bạn không đạt được tới nó, nhưng ít ra bạn đã “Xuất phát”, đó mới là điều quan trọng.

  1. Biết mục tiêu ngắn hạn

cỡ nào là tùy thuộc vào bạn, 6 tháng, 1 năm, 3 năm v.v…. Hoặc là kế hoạch tuần, kế hoạch tháng, kế hoạch quý, kế hoạch năm v.v…
Sử dụng ma trận ưu tiên (quan trọng – khẩn cấp – không quan trọng – không khẩn cấp).
Kế hoạch dài hạn là một cái la bàn định hướng, còn kế hoạch ngắn hạn là trên con đường đi tới mục tiêu đã định theo hướng, bạn sẽ phải có những kế hoạch nhỏ để “leo” từ từ. Bạn nên nhớ, kế hoạch ngắn hạn còn linh hoạt và phụ thuộc rất lớn vào những gì về cuộc sống thường ngày (Cơm áo gạo tiền) cho nên nó phải thật sự phù hợp với từng giai đoạn cuộc sống, sự nghiệp của bạn.
Và quan trọng là, mọi kế hoạch chỉ trở thành kết quả khi nó được thực thi bởi những hành động phù hợp. Nếu không, nó cũng không khác gì một tờ giấy trắng.
Hãy chú ý tới những rủi ro, những điều bất ngờ có thể xảy ra. Lúc này, bạn cần phải linh hoạt.

  1. Nghiên cứu hệ thống thăng tiến của tổ chức

Giống như là “mô thức thành công”, bạn phải đặt ra một hình tượng cho mình mô phỏng, rồi quay về làm rõ những “bậc tam cấp” ở quy tắc 1. Đó chính là những  vị trí mà bạn nhắm tới để tạo đà đẩy và kéo bạn tới vị trí công việc mà bạn mong muốn.
Đừng nghĩ bạn sẽ trở thành một ai đó với những tính từ kèm theo sau tên (Mr.A đáng tôn trọng và đang sợ, Ms.B nghiêm khắc và đòi hỏi cao) . Bạn sẽ phải vạch rõ con đường đi cho mình, bởi nếu không, bạn sẽ đi vơ vẩn, rồi buồn, rồi vui vẻ hạnh phúc, rồi nghỉ chân, như vậy không khác gì kẻ thất bại.
Thật vô ích nếu bạn chỉ biết ngồi chờ đợi, đợi điều gì đó đến và dang tay đón bạn. Không bao giờ có chuyện hy hữu đó. Ban phải chủ động, chớp lấy thời cơ (tất nhiên cũng phải có sự chuẩn bị) .
May mắn là sự chuẩn bị kết hợp với cơ hội” – Hãy nhớ điều đó.
Ngay khi đọc tới đây, bạn hãy mau chóng nghiên cứu hệ thống thăng tiến của công ty sở tại ngay bây giờ. Hãy vẽ ngay một biểu đồ về sự thăng tiến:
  • Nhìn lên vị trí cao nhất mà bạn có thể đạt được – hoặc là vị trí cao nhất mà bạn có khả năng cao sẽ đạt được.
  • Tiếp tục đánh dấu vị trí thấp nhất
  • Vẽ tất cả các vị trí trung gian, đánh dấu những vị trí quan trọng
  • Định vị cá nhân
  • Danh sách những điều cần làm để tiến lên từng “bậc tam cấp”
Bạn đã hoàn thành biểu đồ thăng tiến của mình!
Từng danh sách đó, bạn đã có 2 danh sách: (1) danh sách “bậc tam cấp”; (2) danh sách những việc cần làm. Bạn sẽ phải cần thêm một danh sách về những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để thành công trên từng bước đi lên của mình. Ở mỗi kỹ năng, kinh nghiệm đó, bạn cần phải có những điều kiện kèm theo.
Tất cả sẽ bổ sung vào kế hoạch dài hạn của bạn

  1. Phát triển kế hoạch làm việc

Kế hoạch chỉ là kế hoạch nếu bạn không biến nó thành những hành động thiết thực. Tuy nhiên, trước mọi thứ, bạn cần phải có một kế hoạch làm việc, rồi qua thời gian làm việc, kinh nghiệm và kiến thức bạn tích lũy được sẽ giúp phát triển và hoàn thiện bản kế hoạch đó.
Có kế hoạch để làm gì? Bạn đã có kế hoạch dài hạn, có kế hoạch ngắn hạn, có những đích cần nhắm tới, nhưng bạn cần phải có kế hoạch để “diễn” và biến những   dự định thành hành động thiết thực, có như thế, bạn mới thật sự bước đi, chứ không phải chỉ đứng tại chỗ với những mơ mộng hão huyền của mình (Chỉ có hành động mới mang lại kết quả).
Kế hoạch của bạn cần phải có phương châm cá nhân, tức là bạn phải có những nguyên tắc riêng trong công việc của mình, nó sẽ như một “hoa tiêu” dẫn đường cho con tàu của bạn cập, đỗ, ra khơi đúng hướng. Bạn sẽ là một người như thế nào? Nguyễn Văn A trung thực? Trần Thị B không bao giờ bỏ cuộc? v.v…
Những nguyên tắc của bạn đặt ra cho bản thân, sẽ giúp bạn hình thành những thói quen, từ những thói quen đó hình thành nên tính cách của bạn, mà một khi người ngoài nghĩ về bạn, họ sẽ thêm những tính từ đi kèm theo sau để chỉ ra bản tính của bạn. Đó là một trong những dấu hiệu thể hiện thương hiệu cá nhân của bạn. Hãy chú tâm đến điều đó một cách chủ động.
Chẳng thiệt thòi gì khi bạn mong muốn trở thành một con người dễ chịu, có tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp một cách tự nguyện, tốt bụng, chân thành trong cách đối xử với mọi người xung quanh. Và nếu đủ sức mạnh ,hãy trở thành người bảo vệ họ, bằng tinh thần, bằng quyền lực v.v…

  1. Đặt ra các “mục tiêu động” trong các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của mình

Trong mục tiêu, có mục tiêu. Bạn sẽ hiểu điều này như thế nào?
Mục tiêu 1: Trở thành giám đốc trong vòng 5 năm với mức lương 1000$/tháng. Tất nhiên đó là một mục tiêu khá rõ ràng và (giả sử) thú vị, thế nhưng bạn cần “nâng cấp” nó lên bằng cách “gán” thêm một mục tiêu nữa khi thực hiện mục tiêu này.
Ví dụ: Phải là giám đốc giỏi nhất từ trước đến giờ, vượt qua cả người tiền nhiệm, hoặc là đem về doanh thu gấp đôi trong 6 tháng đầu v.v…
Đừng để mục tiêu của bạn là “mục tiêu tĩnh” hãy dùng một phép “gán” để chuyển nó thành mục tiêu động.
Và đôi khi mục tiêu là những “nguyên tắc linh động” của bạn. Ví dụ, trên con đường trở thành giám đốc, bạn sẽ luôn giữ được lòng trung thực, tính chân thành, sẽ làm cho cả phòng quý mình, và mục tiêu là để 90% số người sẽ bình bầu cho bạn vào vị trí giám đốc, chứ không riêng gì sếp của bạn. Dựa trên những nguyên tắc (mục tiêu kép) mà bạn đặt ra đó, trên con đường đi đến thành công, bạn sẽ được bảo vệ giúp bạn thoát khỏi những rủi ro khó chịu.

  1. Định vị cá nhân (biết rõ vai trò của mình)

Bạn tới công ty không phải là “làm việc”, mà là thể hiện khả năng của mình thông qua một phần chính là công việc bạn làm, ngoài ra còn cách ứng xử, cách bạn xử lý công việc, cách bạn giúp đỡ những người xung quanh v.v…
Vai trò của bạn là gì? Bạn chỉ cần trả lời 2 câu hỏi:
  • Bạn đang làm những công việc gì?
  • Bạn thích làm những công việc gì ở hiện tại và tương lai?
Giống như Rank (trong TGM), bạn phải có một vị trí nào đó ngoài title (chức vụ). Bạn sẽ là một nhà tư vấn về cách làm việc trong công ty, bạn sẽ là một nhà ngoại giao, người truyền tin, người luôn hỗ trợ người khác hoàn thành công việc của mình v.v…
Về cơ bản, đó chính là định vị cá nhân của bạn thông qua hoạt động, thói quen, bản tính của bạn trong môi trường công sở -tập thể.
Có một vài vị trí mà tôi muốn bạn tham khảo:
  • Đầu tàu (Lãnh đạo) – những nhà tư tưởng độc đáo, họ phát minh ra những ý tưởng mới; họ đưa ra giải pháp cho những vấn đề vướng mắc, họ suy nghĩ khác lạ, toàn diện vấn đề và có trí tưởng tượng phong phú.
  • Những người quản lý – thừa hành: Có tính sáng tạo, thích biến ý tưởng thành hành động; họ là người hướng ngoại và rất được lòng mọi người.
  • Cộng sự: Họ có tinh thần kỷ luật và kiểm soát tình hình cao, họ có khả năng tập trung vào các mục tiêu; họ là nhân tố kết dính để thống nhất teamwork
  • Planner (người lên kế hoạch): họ là những người luôn hướng tới những kết quả rõ ràng, họ hứng thú với những thử thách và cách thức đạt được tới kết quả.
  • Đánh giá: Họ phân tích, cân bằng, đo đạc giá trị kết quả; họ thường điềm tĩnh và khách quan
  • Connector – người kết nối: Họ là người có tinh thần ủng hộ và hợp tác; họ có tài ngoại giao, mong muốn những điều tốt nhất cho tập thể.
  • Người chấp hành (Executive): Họ có kỹ năng tổ chức cao, nhạy cảm và thực tế, họ chỉ quan tâm làm thế nào để hoàn thành công việc.
  • Logistic (hậu cần): Họ kiểm tra chi tiết và dọn dẹp khi mọi việc kết thúc, đó là những người tận tâm và chu đáo
  • Chuyên gia: Họ mong muốn đạt được một kỹ năng chuyên biệt nào đó, phong cách làm việc chuyên nghiệp, có nghị lực, có niềm khát khao cống hiến.
Bạn thuộc nhóm người nào (có thể là nhiều nhóm, nhiều tính cách)? Bạn đang đóng vai trò gì trong tập thể và bạn mong muốn sẽ trở thành người như thế nào? Bạn có hạnh phúc với điều đó không? Bạn có muốn thay đổi không?

  1. Biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân

Bạn phải khách quan khi đánh giá bản thân mình, điều đó tốt cho bạn. Hãy dùng ma trận sau đây để đánh giá bản thân (chia sẻ của anh Trần Đăng Khoa):

Bạn
Người khác

Biết


1
Không biết


2

3
4


  1. Có những điều mà bạn và người khác đều biết về bạn
  2. Có những điều mà bạn và người khác đều không biết về bạn
  3. Có những điều mà bạn biết nhưng người khác không biết về bạn
  4. Có những điều mà người khác biết bạn nhưng bạn lại không biết về mình
Người khác thường không nhìn nhận bạn như cách bạn nhìn nhận chính bản thân mình, dù tốt hay xấu. Tuy nhiên, KHÔNG NÊN để những suy nghĩ kiểu “Họ đang nghĩ gì về mình” làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Hàng ngày, con người ta tốn khoảng 10-30% thời gian để lo nghĩ về những điều người khác nghĩ gì về mình, đó là một sự lãng phí!
Nhìn lại quy tắc 6, bạn phải hiểu rõ vai trò của mình, từ đó mới tìm hiểu điểm mạnh điểm yếu của mình (tính tương đối, bởi vì trong từng môi trường, từng vị trí công việc mà bạn có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, chúng ta sẽ không dùng nghĩa “ưu điểm” hay “khuyết điểm” là nghĩa tuyệt đối).
Ví dụ: Tôi là một người sáng tạo và đôi khi luôn nghĩ khác người, đưa ra những ý tưởng mới. Nhưng có thể người khác nhìn vào, thấy bản thân tôi có phong cách quái dị, luôn nghĩ ra những điều phiền hà, không theo quy củ, sống không thực tế v.v….
Bạn hãy viết ra giấy những gì bạn biết về bản thân mình (một cách khách quan), bạn cần có 2 danh sách, 1 danh sách về điểm mạnh, danh sách kia về điểm yếu.
Tiếp tục, bạn cần phải lựa chọn những người mà bạn cho rằng có thể giúp cho bạn, bạn đưa người đó xem danh sách, và kiểm tra xem điều đó có đúng không, họ cần bổ sung gì không (bạn cần ít nhât 3 người để bản đánh giá được chính xác).
Khi có một danh sách tương đối chính xác, bạn khoan vội nghĩ là sẽ làm cách nào cải thiện hay loại bỏ chúng, bạn đừng quên, bản đánh giá này là tương đối, nó thể hiện rõ trong môi trường bạn đang làm việc mà thôi. Tất cả chỉ dùng để tham khảo, và điều cần thiết là bạn phải “đánh giá khách quan” hết mức về những đánh giá của người ngoài và đôi khi chính bản thân của bạn nữa, để xác định rõ mọi thứ.
Tất cả những điểm mạnh hay điểm yếu (theo cách bạn nghĩ) thực ra là phụ thuộc vào vai trò của bạn.
Ví dụ: một người làm logistic có điểm mạnh là chi tiết, thích làm những việc sắp xếp, bài trí. Nhưng nó lại là điểm yếu của một người ở vị trí lãnh đạo, nếu người đó đưa ra một tầm nhìn hạn hẹp dựa trên những đánh giá của một khía cạnh nhỏ nhặt v.v…
Đừng nghĩ là bạn sẽ phải loại bỏ những điểm yếu và tập trung phát triển điểm mạnh, nó sẽ làm bạn không còn là “chính bạn” nữa. Hãy cẩn thận!
Mạnh hay yếu phụ thuộc vào vai trò, mục tiêu, định hướng dài hạn của bạn, chứ không phải ở một vài vị trí, hành động của bạn trong hiện tại.
Nóng tính là điểm mạnh hay điểm yếu? Nó sẽ là điểm yếu nếu nó nằm ở bản tính của một người hay đi ngoại giao, thương thuyết, đàm phán. Nhưng nó lại hữu ích khi người này thống lĩnh một sư đoàn, đại đội quân sự, điều đó sẽ giúp anh ta giữ kỷ luật thép và gieo rắt nỗi khiếp sợ nếu kẻ nào dám có hành động sai quấy.
Hãy biết cách sử dụng sở đoản và sở trường, bởi nó sẽ giúp cho bạn xây dựng nên những nguyên tắc giúp bạn rẽ bánh con tàu đi đúng hướng của mình.
  1. Xác định thời điểm quan trọng (milestone) và sự kiện đặc biệt

Bạn sẽ không bao giờ thấy một con Hổ chạy 24h trên một ngày để săn mồi, bạn sẽ không bao giờ thấy một cuộc thi thể thao nào bắt vận động viên hoạt động suốt ngày đêm.
Môi trường công sở cũng thế, không phải lúc nào bạn cũng phải sử dụng hết năng lượng của mình, hãy dành tâm sức cho những điều quan trọng nhất, và phải:
  • Phù hợp
  • Có ý nghĩa
  • Phat huy được lợi thế
  • Mang lại lợi ích
  • Hữu ích cho mọi người
  • Quan trọng
Hãy là một con Sư tử rình mồi, đừng suốt ngày rượt con Sơn Dương để xem ai phải mệt trước. Điều bạn cần làm là xác định thời điểm quan trọng, để dồn hết tâm sức vào cuộc “săn mồi”.
Không đáng để bạn thức đêm thức hôm để viết một bản báo cáo mà chỉ để đồng nghiệp đọc xong rồi nó rơi vào quên lãng. (thời điểm thích hợp hơn là bạn xác định rõ sự quan trọng của bản báo cáo và gửi nó cho CEO lúc cần thiết)
Tất nhiên là bạn phải cực kỳ khôn khéo trong cách chọn thời điểm, nếu không, ngày hôm sau bạn sẽ có nhiều khả năng gói đồ ra khỏi văn phòng với dịch vụ Kingmove (một công ty vận chuyển hàng hóa mà TGM đã dùng để chuyển văn phòng từ Q.3 về Q.10)
Hãy tìm cách thể hiện, đúng chỗ và đúng lúc.
Chẳng có ích gì khi sử dụng hết năng lượng và sức mạnh của mình khi không cần thiết.

  1. Quản trị rủi ro

Nguy cơ tiềm ẩn khắp mọi nơi: Quyết định sa thải nhân công vì khủng hoảng kinh tế, tinh giản biên chế, công ty bị sát nhập (ở Việt Nam thì hơi ít trường hợp này), đồng nghiệp nhỏ nhen (đi nói sau lưng và cố ý để đến tai sếp), cấp trên cáu kỉnh, công nghệ mới (sản xuất ra những loại máy móc mới thay thế bạn), hệ thống mới, quy chế mới…. (Bạn có thể đọc thêm quyển Who moved my cheese – Ai lấy miếng pho-mát của tôi).
Bạn phải có chính kiến, vượt qua những feedback (tốt hay không tốt), linh hoạt, chuyển động nhanh.
Đừng để nỗi sợ chiếm lấy tâm trí và điều khiển cuộc sống của bạn cho dù bạn không thể né tránh nó.
Quản trị rủi ro đôi khi là một dạng năng khiếu. Mặc dù có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra, tuy nhiên thông thường chúng ta chỉ tập trung vào 2 điều:
  • Dự đoán những nguy cơ sắp xảy ra và tránh trúng
  • Xử lý, đối phó với rủi ro đã xảy ra.
Tuy nhiên, bạn phải nhớ, bạn đã được học những gì trong các khóa học (với tôi là Tôi Tài Giỏi!) – rủi ro chính là cơ hội (bạn có thể tham khảo thêm Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú của Adam Khoo).  Các bức tường nằm ở đó, để thử thách chúng ta, và để loại bỏ những kẻ không đủ nghị lực và đam mê (Bài giảng cuối cùng), đó là một cơ hội cho chúng ta trưởng thành, thay đổi để thích ứng, tìm ra cách làm việc mới.
Không vấp ngã, không gặp thử thách, thì không có điều kiện để tiến bộ, bạn phải biết chuyển hóa ý nghĩa.


Ở quy tắc thứ 9, tôi đã đề cập tới việc quản trị rủi ro để tìm kiếm cơ hội. Ngoài ra, cơ hội thật sự đến với bạn nếu bạn cũng có cách nhìn xa trông rộng như khi nhìn thấy rủi ro vậy.
Ngồi ăn với sếp cũng là một cơ hội (tất nhiên bạn phải thông minh, khéo léo, nhất là không nên tỏ ra suồng sã, nịnh bợ).
Di chơi với đồng nghiệp cũng là một cơ hội.
Quan trọng là bạn phải:

  • Nhận ra đâu là cơ hội
  • Tận dụng được nó
  • Điềm tĩnh, khéo léo và linh hoạt một cách tinh tế
  •  
Cần chú ý tránh:

  • Tầm nhìn hạn hẹp, suy nghĩ cứng nhắc
  • Bối rối
  • Liều lĩnh
  • Hưng phấn quá mức
  •  
Cơ hội trong tíc tắc, bạn sẽ không để vụt mất nó nếu bạn là một người biết suy nghĩ.

Theo Lê Vũ’s Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét