Tin tốt là sai lầm, dù lớn đến cỡ nào cũng không để lại dấu
ấn vĩnh viễn trong sự nghiệp của bạn. Trên thực tế, hầu hết các sai lầm đều góp
phần vào việc học hỏi của cá nhân và tổ chức, chúng là một phần quan trọng của
trải nghiệm và là một điều kiện tiên quyết cho sự đổi mới. Vì vậy đừng lo lắng:
nếu bạn phạm phải một sai lầm nào đó tại nơi làm việc - và một lần nữa tôi muốn
nhắc lại rằng có ai mà không từng phạm sai lầm cơ chứ? - bạn hoàn toàn có thể
sửa chữa được sai lầm đó và sử dụng kinh nghiệm đó để học hỏi và phát triển.
Các chuyên gia nói gì
Theo Paul Schoemaker, giám đốc nghiên cứu Trung tâm đổi mới
công nghệ Mack trường đại học Wharton Pennysylvania và đồng tác giả của cuốn
sách sắp xuất bản Brilliant Mistakes, hầu hết mọi người có xu hướng phản ứng
thái quá với sai lầm của họ. Họ "đưa ra những đánh giá không cân xứng về
được và mất vì thế cái mất đi có vẻ lớn hơn so với những gì đạt được", ông
giải thích. Kết quả là họ không cưỡng lại được việc che giấu sai lầm của mình
hoặc thậm chí tệ hơn là tiếp tục hướng đi đã được chứng minh là không hiệu quả.
"Tư tưởng sai lầm về chi phí đã đầu tư" này có thể nguy hiểm và tốn
kém. Chấp nhận sai lầm, học hỏi từ những sai lầm đó và tiếp tục mọi việc sẽ là
tốt hơn nhiều. Schoemaker nói: "Nhìn về phía trước và lấy tương lai chứ
không phải quá khứ làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định".
Christopher Gergen, giám đốc của chương trình Sáng kiến lãnh
đạo doanh nhân tại trường đại học Duke và đồng tác giả của cuốn sách Life
Entrepreneurs: Ordinary People Creating Extraordinary Lives đồng ý với ý kiến
trên. Điều hữu ích nhất bạn có thể làm là "biến sai lầm thành một thời
điểm giá trị của khả năng lãnh đạo" ông nói.
Dưới đây là một vài nguyên tắc hướng dẫn giúp bạn đạt được
mục tiêu:
Chấp nhận và thừa nhận sai lầm
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải rõ ràng, thẳng
thắn và chịu trách với sai lầm. Đừng cố gắng đổ lỗi cho người khác. Thậm chí
nếu đó là sai lầm của nhóm, hãy thừa nhận vai trò của bạn đối với sai lầm của
nhóm. Trong trường hợp có ai đó bị tổn thương, hãy đưa ra lời xin lỗi. Tuy
nhiên đừng xin lỗi quá nhiều hoặc tỏ ra quá tự vệ. Vấn đề là phải hành động có
định hướng và tập trung vào tương lai.
Làm thế nào sai lầm của bạn có thể được khắc phục? Bạn sẽ
làm gì khác đi để có thể tiến lên phía trước? Một khi bạn thừa nhận sai lầm của
mình thì đã đến lúc khắc phục nó. Khắc phục sai lầm không phải là đưa ra một
lời xin lỗi hay một lý do biện hộ mà là nỗ lực thực sự để mọi người nhìn nhận
sai lầm đó theo một hướng khác đi.
Những quyết định tồi hoặc quá trình xử lý sai sót đôi khi
dẫn đến những sai lầm nhưng điều đó không có nghĩa là mọi kết quả đầu ra không
tốt đều là sai lầm. Gergen nói rằng điều quan trọng là phải hiểu được điều gì
là nội lực và điều gì là ngoại lực, điều gì trong tầm kiểm soát của bạn và điều
gì thì không. Giải thích điều dẫn đến sai lầm một cách không tự vệ có thể giúp
mọi người hiểu rõ hơn tại sao sai lầm đó lại xảy ra và làm thế nào để tránh
khỏi sai lầm đó trong tương lai.
Thay đổi phương thức
Sai lầm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng
lãnh đạo. Schoemaker nói: "Loại sai lầm tốt nhất chính là sai lầm mang lại
khả năng học hỏi cao nhưng chi phí thấp". Nếu sai lầm là kết quả của một
quyết định tồi, hãy giải thích với cấp trên của bạn và các bên có liên quan về
việc bạn sẽ làm thế nào để tránh lặp lại sai lầm tương tự như vậy trong tương
lai. Bạn phải phản ứng nhanh chóng trước khi mọi người đưa ra đánh giá về tài
năng và năng lực của bạn.
Gergen nói: "Bạn cần phải đi trước nó, vượt lên khỏi nó
và giải quyết nó". Bằng việc chứng minh rằng bạn đã thay đổi từ sai lầm
bạn đã mắc phải, bạn tái đảm bảo với cấp trên, đồng nghiệp và các báo cáo trực
tiếp rằng bạn có thể được tin tưởng giao cho những nhiệm vụ hoặc các quyết định
quan trọng tương đương trong tương lai.
Schoemaker nói: "Nếu bạn phải trả giá cho việc phạm sai
lầm thì bạn cần phải có được sự học hỏi". Điều này dễ dàng xảy ra trong
môi trường văn hóa doanh nghiệp coi trọng việc học hỏi hơn là trong môi trường
văn hóa doanh nghiệp coi trọng thành tích và hiệu quả. Trong một môi trường như
vậy, sai lầm thường được đánh giá khắt khe hơn. Nhưng cho dù môi trường văn hóa
doanh nghiệp là gì đi nữa thì bạn cũng cần phải chỉ ra "làm thế nào bạn có
thể biến sai lầm từ trách nhiệm thành tài sản", Gergen nói.
Dựa vào mạng lưới hỗ trợ
Một mạng lưới hỗ trợ mạnh cũng có thể giúp đỡ bạn. Gergen
nói: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng một mạng lưới hỗ trợ mạnh hiệu
quả gồm ba yếu tố: mối quan hệ thực sự tin tưởng lẫn nhau, sự đa dạng về quan
điểm và mối quan hệ tương hỗ". Hãy hỏi một đồng nghiệp hiện thời hoặc đồng
nghiệp cũ hoặc những người bên ngoài tổ chức về quan điểm của họ đối với sai
lầm và điều gì họ tin rằng bạn có thể làm để phục hồi sau sai lầm đó. Họ rất có
thể có những lời khuyên hữu ích dành cho bạn về việc làm thế nào để khắc phục
sai lầm và khôi phục lại danh tiếng của bạn.
Nỗ lực từ nơi phạm sai lầm
Xây dựng lại niềm tin có thể rất khó khăn sau khi đã làm sụp
đổ. Vấn đề là không được để cho sai lầm khiến bạn sợ hãi trải nghiệm. Khi đã
phạm sai lầm, hãy để nó ở phía sau mà hướng tới tương lai. Nếu nó khiến cho mọi
người nghi ngờ khả năng của bạn hãy đưa ra nhiều dữ liệu để xây dựng lại niềm
tin của họ. Hãy nhớ rằng sai lầm không phải là dấu hiệu của sự yếu kém hoặc sự
không có khả năng thích hợp với một nhiệm vụ nào đó, chính sự khắc phục và phục
hồi từ những sai lầm mới minh chứng cho sự kiên cường và sự bền chí.
Cả Gergen và Schoemaker đều nhấn mạnh rằng rất nhiều ông chủ
tìm kiếm những người nhân viên từng phạm sai lầm và khắc phục và vượt qua nó.
Không phải sai lầm nào cũng như nhau Các sai lầm khác nhau về mức độ và loại và
một số có thể khó khắc phục hơn so với các sai lầm khác. Schoemaker lưu ý sai
lầm của nhóm thường dễ được khắc phục bởi vì có sự phân chia trách nhiệm.
Các sai lầm liên quan đến việc phá vỡ lòng tin của ai đó có
thể có hậu quả lâu dài và sự ăn năn hối lỗi là rất quan trọng. Nếu sai lầm của
bạn khiến cho ai đó mất lòng tin vào bạn hãy tiếp cận người đó và đưa ra lời
xin lỗi chân thành. Hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để khôi phục lại lòng tin của
người đó. Nhưng phải kiên nhẫn - cần rất nhiều thời gian để có thể tha thứ.
Các nguyên tắc phải nhớ
Nên:
- Chịu trách nhiệm đối với sai lầm.
- Thể hiện rằng bạn đã học hỏi và sẽ ứng xử khác đi trong
tương lai sau sai lầm đó.
- Cho thấy rằng bạn có thể đáng tin với những quyết định
quan trọng tương tự trong tương lai.
Không nên:
- Cố bảo thủ, tự vệ hoặc đổ lỗi cho người khác.
- Phạm phải những sai lầm gây mất lòng tin của người khác -
đây là những lỗi lầm khó khắc phục nhất.
- Ngừng trải nghiệm hoặc trở nên yếm thế trước mọi việc do
phạm sai lầm.
Trường hợp 1: Cấp trên và đồng nghiệp ủng hộ thông cảm giúp
thúc đẩy sự phục hồi
Là phó giám đốc của Mạng lưới khoa học và sức khỏe môi
trường (SEHN), một trong những trách nhiệm của Katie Silberman là quản lý đơn
xin tài trợ của tổ chức phi lợi nhuận. Cuối tháng Tám năm ngoái, Katie lập ra
một lịch ghi lại những ngày xin tài trợ quan trọng bao gồm cả ngày tháng tới
hạn của các báo cáo xin tài trợ hiện tại cũng như hạn chót để nộp lại đơn xin
tài trợ trong tương lai.
Vào cuối tháng Một, Kate đã gửi thư cho một viên chức thuộc
quỹ tài trợ tại một trong những quỹ tài trợ chủ chốt của tổ chức để kiểm tra
việc xin tài trợ cho năm 2010, nghĩ rằng cô đã làm việc này trước thời hạn.
Nhưng người này trả lời rằng hạn chót xin tài trợ của năm 2010 đã hết. Katie
thực sự sốc. Trên lịch của cô hạn chót là tháng Ba - đó là thời điểm một báo
cáo của việc xin tài trợ cho năm 2009 tới hạn và Katie cho rằng họ sẽ nói đến
việc xin tài trợ lại sau thời điểm đó. SEHN cần quỹ tài trợ đó để có thể hoạt
động trong năm.
Katie nói: "Để mất một nhà tài trợ trong môi trường này
không phải chỉ là tồi tệ mà nó là cả một thảm họa". Hóa ra là mỗi tháng
Một luôn có người tại SEHN gọi cho nhân viên quỹ tài trợ để thảo luận về chu kì
tài trợ của năm. Katie không biết về cuộc họp không chính thức này nhưng trách
nhiệm của cô là phải biết mối quan hệ tài trợ vào và ra và để đảm bảo rằng tổ
chức luôn có cơ hội được tài trợ lớn nhất.
Katie ngay lập tức gọi cho cấp trên, giải thích sai lầm của
mình và đề xuất ý kiến về việc làm thế nào họ có thể đảm bảo nguồn ngân sách
tài trợ mới để đảm bảo tổ chức có thể hoạt động. Bởi vì cô đã thẳng thắn thừa
nhận sai sót và hành động ngay lập tức, cô và các đồng nghiệp còn lại trong
SEHN đều hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau hợp sức và làm tất cả những gì họ
có thể. Viên chức của quỹ tài trợ đó cho Katie biết rằng còn một hạn chót nữa vào
tháng Năm để xin tài trợ từ một hoạt động tài trợ khác và vì vậy SEHN đã quyết
định đệ trình một ý tưởng cho một dự án mới được hình thành từ lần xin hụt tài
trợ đó. Katie rất lạc quan rằng họ sẽ được tài trợ.
Dù Katie cảm thấy rằng cô đã phạm một sai lầm to lớn nhưng
cô cũng học hỏi được từ sai lầm đó. Cuốn lịch ghi hạn chót của cô bây giờ cũng
bao gồm những những hạn chót và các cuộc họp "không chính thức" ngoài
những ngày cố định do các nhà tài trợ đưa ra.
Trường hợp 2: Đừng đổ lỗi cho nền kinh tế, hãy thay đổi cách
làm việc của bạn
Trong cuối những năm 1990, Christopher Gergen, một trong
những chuyên gia nói trên, đồng thành lập Smarthinking.com, một dịch vụ gia sư
trực tuyến cho sinh viên đại học và phổ thông. Christopher và các cộng sự đã
huy động lượt vốn đầu tiên vào mùa xuân năm 1999. Công ty phát triển nhanh
chóng: vào đầu năm 2000 có 30 nhân viên và đã sẵn sàng hoạt động. Trong vòng
sáu tuần thanh toán với ngân hàng, Christopher và đồng sự của mình đã phải đối
mặt với một trong những sai lầm lớn nhất cuộc đời họ.
Giống như nhiều người khác, họ không thể dự đoán trước được
bong bóng kinh tế và đẩy công ty và bản thân họ vào tình thế nguy hiểm.
Christopher đã có kinh nghiệm trước đó với các công ty phải đối mặt với thời
điểm khó khăn và đã chứng kiến các nhà lãnh đạo trốn đằng sau cánh cửa văn
phòng đóng kín. Ông và đồng nghiệp đã sử dụng một phương pháp khác. Họ tập hợp
toàn bộ nhân viên cùng nhau và giải thích điều gì cần làm để cứu công ty. Nhấn
mạnh rằng họ không thể làm điều đó một mình, họ đã làm rõ với mỗi người về mọi
việc và vai trò họ cần làm. Mặc dù mùa xuân và hè đó họ phải cố gắng chống chọi
để hoạt động nhưng đến mùa thu và đông họ lại có thể huy động động 5 triệu
đôla.
Mặc dù Christopher có thể dễ dàng đổ lỗi cho nền kinh tế vì
những điều đã xảy ra, ông lại nhận lấy toàn bộ trách nhiệm để đưa công ty đến
được với một vị thế mới. Ông nói: "Ngoại cảnh không nằm trong tầm kiểm
soát của chúng ta nhưng chúng ta có khả năng xoay sở để vượt qua nó". Quan
trọng nhất là ông học hỏi được từ sai lầm đó và bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp
nguyên tắc hơn với luồng tiền. Kết quả của việc ông và người đồng sáng lập đã
ứng phó với thảm họa như thế nào là công ty đã tồn tại được và ngày càng phát
triển. Công ty vừa kỉ niệm 11 năm thành lập và đã vượt qua cuộc suy thoái gần
đây với ít tổn hại nhất.
TIEUA – THEO SAGA.VN
hay quá, đọc bài này tôi đã lấy lại tinh thần
Trả lờiXóahat hanh nhan